Tam Sơn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

(BNP) – Có dịp về thăm xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là bộ mặt nông thôn nơi đây đang đổi thay từng ngày. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; trên trục đường chính, từng đoàn xe tải đang tấp nập vận chuyển những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đi tiêu thụ…

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Tam Sơn phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân.

Gia đình anh Ngô Văn Hoàn ở thôn Thọ Trai (xã Tam Sơn) trước đây chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt xu thế phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ, năm 2008, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cung cấp các sản phẩm bàn ghế, giường, tủ… cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hoàn Hương của anh cung cấp hàng chục sản phẩm các loại, tạo việc làm cho từ 6 – 8 lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập trung bình từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng, thợ tay nghề cao 15 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoàn cho biết, có được thành quả như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương về mặt bằng, nguồn vốn, hệ thống điện, đường giao thông…

Cùng với gia đình anh Hoàn, đến nay, trên địa bàn xã Tam Sơn có gần 2.000 hộ (chiếm hơn 60% số hộ trên địa bàn xã) tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 6.000 lao động trong và ngoài địa phương. Theo ông Trần Viết Tạo, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ du nhập vào Tam Sơn từ đầu những năm 1990. Những người thợ lành nghề, đi học việc từ các làng nghề gỗ mỹ nghệ nổi tiếng như Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc… sau đó trở về quê phát triển nghề. Với những chính sách “đi tắt, đón đầu” của chính quyền và sự năng động, sáng tạo của người dân, Tam Sơn đã có những bước phát triển nhanh chóng trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, năm 2006, cụm công nghiệp làng nghề công nghệ cao Tam Sơn được tỉnh quy hoạch và triển khai xây dựng có tổng diện tích hơn 12 ha. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân có mặt bằng mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nghề đồ gỗ mỹ nghệ nơi đây phát triển. Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh và thị xã, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Tam Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực học tập, nâng cao trình độ tay nghề, trình độ quản lý, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ; biểu dương, nhân rộng những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn xã năm 2018 ước đạt 341 tỷ đồng, góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 37,2 triệu đồng/người/năm.

Cùng với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xã Tam Sơn cũng chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm gần đây, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống lúa nếp vào sản xuất đại trà. Hiện nay, hơn 500 ha (chiếm gần 90% tổng diện tích) được gieo cấy bằng các giống lúa nếp hàng hóa. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển mô hình trang trại, sản xuất rau màu… đưa giá trị bình quân 1 ha đất canh tác năm 2018 đạt gần 134 triệu đồng/năm, tăng 16,84 triệu đồng so với năm 2017.

Kinh tế phát triển tạo điều kiện để địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống của người dân. Đến nay, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, các di tích… được đầu tư khang trang, hiện đại. Xã Tam Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2016, đến nay, giữ vững và nâng cao các tiêu chí theo hướng bền vững. Công tác chăm lo người có công, hộ nghèo được quan tâm, năm 2018, có 13 hộ nghèo được giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 1,07%.

Bộ mặt nông thôn mới Tam Sơn hiện hữu, nơi đây không còn là vùng quê thuần nông yên ả mà thay vào đó là không khí lao động sản xuất làng nghề hối hả, nhộn nhịp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Người dân đã biết phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư… Được sự hỗ trợ của tỉnh, thị xã và từ nguồn kinh phí của địa phương, đến nay, Tam Sơn đã không còn hộ nhà cấp bốn dột nát, xuống cấp…

Rời Tam Sơn vào chiều muộn, đi trên con đường tỉnh lộ 277 trải nhựa phẳng lì, những tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa, máy cắt rộn rã khắp xóm thôn, được chứng kiến sự đổi thay trên quê hương đồng chí Ngô Gia Tự, với sự đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin chắc Tam Sơn sẽ tiếp nối truyền thống, giành được nhiều kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thị xã Từ Sơn và của tỉnh.
H.T
Share:

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *