Với những chiến lược phát triển toàn diện, làng gỗ mỹ nghệ Tam Sơn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đang vượt ra khỏi những khó khăn cố hữu của một làng nghề thủ công, để đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế, an sinh – xã hội và môi trường.
Đi tắt đón đầu
Tam Sơn là một làng nghề mới, chỉ bắt đầu manh nha từ đầu những năm 1990. Những người thợ lành nghề, đi học việc từ các làng nghề gỗ mỹ nghệ nổi tiếng như Đồng Kỵ, Hương Mạc… sau đó trở về quê phát triển nghề. Nhưng với những chính sách “đi tắt, đón đầu” của chính quyền và sự thích nghi của người dân, Tam Sơn đã có những bước phát triển nhanh chóng.
Ông Trần Viết Tạo – Chủ tịch UBND xã Tam Sơn, cho biết: “Để bắt kịp và vượt qua các thương hiệu khác, năm 2006, chính quyền UBND xã Tam Sơn đã phối hợp với các cấp để quy hoạch dự án cụm công nghiệp công nghệ cao Tam Sơn, với đầy đủ các điều kiện, cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ”.
Sự ra đời của CCN công nghệ cao Tam Sơn đã góp phần giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình hơn 16 năm phát triển (kể từ năm 1990), góp phần nâng cao thương hiệu cho sản phẩm gỗ Tam Sơn.
Bên cạnh đó, UBND xã Tam Sơn cũng có những chính sách rất đúng đắn để giải quyết khó khăn. “Thấy được tiềm năng của nghề gỗ, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để nâng cao trình độ, khuyến khích đầu tư, sản xuất. Biểu dương kịp thời những tấm gương sản xuất giỏi. Đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao cơ sở hạ tầng tại CCN, đẩy mạnh quy hoạch các bãi để gỗ…”, ông Tạo, cho biết.
Thành công bứt phá
Sự ra đời của cụm công nghiệp và những chính sách “đi tắt, đón đầu” hợp lý giúp làng nghề Tam Sơn “thay da, đổi thịt”. Về kinh tế, gỗ mỹ nghệ trở thành nghề chính, tạo thu nhập cao cho người dân địa phương. Theo thống kê, Tam Sơn hiện có trên 1.600 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Nghề cung cấp việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương và hàng nghìn lao động ngoại tỉnh.
Quy mô các xưởng sản xuất tại Tam Sơn cũng ngày càng lớn, 1/3 các xưởng trong làng có quy mô đạt 3 – 5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm 2015 tăng gấp 2,2 lần so với năm 2012, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn chưa đầy 1,8% (theo tiêu chuẩn mới). Tổng giá trị nghề gỗ luôn duy trì năm sau cao hơn năm trước (năm 2013 đạt 200 tỷ đồng, năm 2014, 2015 đạt gần 300 tỷ đồng).
Ông Lâm Viết Toàn – chủ một cơ sở sản xuất quy mô tại Tam Sơn, chia sẻ: “Hiện tại với hai chi nhánh, xưởng nhà tôi thuê hơn 40 công nhân trực tiếp đứng máy, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm được đưa đi hầu hết các tỉnh trong nước và XK (tiểu ngạch) sang Trung Quốc, Lào. Nhờ có nghề gỗ mỹ nghệ, người dân Tam Sơn đã khấm khá hơn nhiều”.
Không chỉ phát triển kinh tế, Tam Sơn cũng là một trong số ít các làng nghề bảo đảm được vấn đề môi trường. Nhờ có CCN, các cơ sở sản xuất cách xa khu dân cư, bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân. Vấn đề chất thải cũng được xử lý khá tốt, ít tác động tới môi trường tự nhiên. Các vấn đề về an toàn lao động cũng được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, người dân Tam Sơn vẫn có những trăn trở về vốn đầu tư, thương hiệu cạnh tranh thị trường và đầu ra cho sản phẩm. “Dù còn không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân làm nghề, chúng tôi tin rằng những tồn tại sẽ được khắc phục và Tam Sơn sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong tương lai”, Chủ tịch xã Tam Sơn Trần Viết Tạo nhấn mạnh.
Hiến Nguyễn