Sự phát triển của đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn đã giúp cho đời sống của người dân nơi đây được nâng cao hơn. Đến nay, thị trường sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn đã trải rộng khắp mọi miền đất nước và được nhiều nước trên thế giới biết đến. Để có được sự phát triển của đồ gỗ mỹ nghệ cũng đòi hỏi một quy trình gắt gao và sau đây là quy trình làm ra đồ gỗ Tam Sơn:
-Về nguyên liệu:
Nguyên liệu chính để sản xuất là gỗ tự nhiên xưa như: Đinh, lim, sến, táu, lát, mun; nay gỗ tự nhiên hiếm nên chủ yếu là các loại như hương, trắc, gụ, được các lái buôn mang về tận chợ làng bán cho các gia đình thợ mộc.
-Về công cụ sản xuất:
+ Cưa gồm có (cưa xẻ, cưa dọc, cưa con, cưa cò, cưa vanh)
+ Đục gồm có (đục xén còn gọi là bạt, đục vuông cờ từ 1.5 ly đến 5 ly).
+ Bào gồm có (bào thẩm, bào soi, bào ngang, bào héo, bào cọ, bào nhỡ, bào khẩu, bào toán, bào rãnh)
+ Đục móng gồm có (đục móng hũm, đục móng doãng, đục móng thói
+ Chàng gồm có (chàng cân, chàng lệch, chàng tách, chàng tỉa)
+ Nạo gồm có (nạo ngang, nạo dọc, nạo héo, nạo chếch)
+ Búa gồm có (búa tạ, búa con, búa nhổ đinh)
+ Thước thợ gồm có ( thước thẳng, thước vuông, thước chữ đinh)
Đó còn là: ga xẻ, cầu bào, dùi đục, dây lấy mực (còn gọi là ống mực) vồ (còn gọi là sâm), rìu, đá mài (đá mài giáp, đá mài màu).
Ngày nay, ngoài những công cụ thủ công dùng tay trên còn hàng hoạt những công cụ hiện đại chạy bằng điện như: Máy xẻ CD, máy cưa vanh, cưa xích, cưa đĩa, máy bào đa năng, máy bào tay, máy bào góc, máy khoan, máy trà, máy soi, máy lu làm nhẵn, máy bo định hình, máy long lỗ, máy lấy nền, máy đục lỗ, máy đục khoan, máy tiện, máy soọc, máy rung đánh giấy giáp, máy quay giấy giáp
– Về quy trình sản xuất:
Đầu tiên người thợ Cả phải có ý tưởng về đồ vật mình định sản xuất ra và phải thể hiện bằng bản vẽ (gọi là tạo mẫu sản phẩm), tiếp theo phải chọn loại gỗ cho phù hợp với đồ vật định làm ra, lấy mực, rồi cho thợ xẻ ra thành từng tấm gỗ có độ dày mỏng khác nhau
Công đoạn tiếp theo là giao cho thợ Ngang pha gỗ như ( cưa, cắt, đục, bào) và lắp ghá thành hình dáng sản phẩm: Ví dụ như hình 1 cái tủ, hay 1 cái giường, hay 1 bộ bàn ghế . Nếu trong sản phẩm có bộ phận của chạm khắc hay tiện thì lại giao thợ Chạm khắc hay tiện thực hiện .
Tiếp đến người thợ Ngang và thợ Chạm cùng phải phối hợp với nhau chính thức lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm với các công việc như: bào lau, nạo nhẵn, lu những chỗ cong, đường gấp khúc, gắn cố định bằng (cồn, keo, sơn). Công đoạn cuối cùng giao cho thợ Nguội làm đẹp sản phẩm như: đánh giấy giáp, đánh véc ni hay phun sơn.
Trong cả quy trình sản xuất trên, công đoạn của thợ Ngang tạo ra hình dáng sản phẩm mang tính thực dụng, còn người thợ Chạm khắc lại đòi hỏi tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao. Công đoạn của người thợ Chạm cũng có nhiều bước như: đầu tiên phải có ý tưởng tạo mẫu hoa văn (ví dụ như: chủ đề “tứ linh” tức long ly quy phượng là hình ảnh của Rồng, Phượng, Lân, Rùa ,“tứ quý” là hình hảnh của các cây Tùng, Trúc, Cúc, Mai. Tiếp đến người thợ chạm khắc phải dựng hình tức hoa văn trên phôi sản phẩm, lấy nền tức làm nổi hình ảnh của hoa văn, và bắt đầu thể hiện nghệ thuật chạm khắc như: chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong , chạm lộng, chạm chìm bằng cách đục phá, gọt, tỉa chi tiết, nạo… Nét chạm khắc có tinh xảo nghệ thuật hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo của người thợ chạm khắc. Dưới bàn tay chạm của người thợ Phù Khê người ta từng được chiêm ngưỡng những mảng chạm khắc với cảnh “rồng bay, phượng múa” của thế giới thần tiên, cho đến những cảnh sinh hoạt bình dị yên ả của dân gian …
Nghề mộc chạm khắc Tam Sơn phát triển rực rỡ như vậy là nhờ vào các thế hệ nguời dân trân trọng bảo gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống quý giá này.